Tictionary: Free Float – Khối Lượng Cổ Phiếu Lưu Hành Tự Do Trên Thị Trường

Free float: Khối lượng cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường
Câu chuyện về thuật ngữ này bắt nguồn từ việc xây dựng chỉ số thị trường (market index). Trong quá khứ, các nhà đầu tư ở London đã có thể tiếp cận dữ liệu về giá các chứng khoán đơn lẻ từ năm 1698. Tuy nhiên, phải gần 200 năm sau đó, một chỉ báo đơn giản, phản ánh thông tin thị trường chứng khoán mới xuất hiện. Để giúp người đọc có thể cảm nhận được sự vận động của thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày, vào năm 1884, nhà xuất bản Charles H. Dow và Edward D. Jones đã giới thiệu Dow Jones Average, chỉ số thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới, tiền thân của Dow Jones Industrial Average (DJIA) sau này.
Kể từ thời điểm đó tới nay, các chỉ số thị trường trên thế giới đã liên tục được tạo ra theo đà phát triển của thị trường chứng khoán thế giới, được phân loại theo cách phân bổ các cổ phiếu thành phần: phân bổ theo tỷ trọng giá (price weighting), phân bổ đều (equal weighting), phân bổ theo tỷ trọng vốn hóa (market-capitalization weighting) và phân bổ theo yếu tố cơ bản (fundamental weighting). Mỗi cách phân bổ này có điểm mạnh yếu riêng. Do giới hạn của chủ đề, chúng tôi sẽ không phân tích thêm về các điểm mạnh yếu này. Các bạn quan tâm có thể tìm đọc Reading về Security Market Indexes của môn Equity trong bộ sách CFA Level I.
Quay lại câu chuyện về free float. Tại Việt Nam, kể từ khi thành lập Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) vào năm 2000, VN-Index là chỉ số chủ yếu được sử dụng để đo lường sự vận động của thị trường. VN-Index được tính theo phân bổ tỷ trọng vốn hóa các cổ phiếu thành phần. Trong cách tính này, vốn hóa được tính bằng giá nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Điều này dẫn tới hai nhược điểm:
  1. Không phản ánh được số lượng cổ phiếu thực sự có thể lưu hành trên thị trường, do trong thực tế, các công ty luôn tồn tại những bên ít có khả năng giao dịch như cổ đông thuộc hội đồng quản trị, ban điều hành, cổ đông nhà nước nắm giữ, cổ đông chiến lược…
  2. Chỉ số bị ảnh hưởng quá mức bởi các cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa cao.
Để khắc phục hai nhược điểm trên, từ năm 2012, HSX đã xây dựng bộ chỉ số HOSE-Index, trong đó nổi bật là VN30-Index. Trong bộ chỉ số này, free float được sử dụng thay thế cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành để khắc phục nhược điểm đầu tiên. Ngoài ra, giới hạn tỷ trọng vốn hóa cũng được sử dụng để khắc phục nhược điểm thứ hai, đảm bảo mỗi cổ phiếu trong rổ chỉ tác động được tối đa 10% vào chỉ số. Thêm vào đó, biến thanh khoản cũng được sử dụng trong quá trình chọn rổ cổ phiếu, để hạn chế sự làm giá thường xảy ra với những cổ phiếu có thanh khoản kém. Rổ cổ phiếu thành phần, free float và giới hạn tỷ trọng vốn hóa của bộ HOSE-Index sẽ được HSX xem xét và công bố định kỳ vào thứ Hai lần thứ 3 của tháng 1, 4, 7 và 10 hàng năm, có hiệu lực áp dụng từ ngày thứ Hai lần thứ nhất của tháng 2, 5, 8 và 11.
Mặc dù còn tồn tại vấn đề liên quan tới việc cổ đông lớn nhờ cá nhân không liên quan đứng tên hộ, kể từ khi xuất hiện, VN30-Index, một chỉ số trong bộ HOSE-Index, đã trở thành cơ sở để phát triển các quỹ ETF, (ví dụ: VFMVN30 ETF của VFM, SSIAM VN30 ETF của SSIAM, MAMF VN30 ETF của Mirae Asset); đồng thời cũng là tài sản cơ sở cho các hợp đồng phái sinh chỉ số, kéo theo sự gia tăng thanh khoản và sự đa dạng của thị trường.
Chi tiết của quy trình xây dựng bộ chỉ số HOSE-Index vui lòng xem tại https://www.hsx.vn/…/ac705456-3d0f-489f-9964-dc2f0e57e449

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *