Tictionary 13: Chuyện về hai gã hàng xóm: “Return on Equity” và “Cost of Equity”

“Chẳng vui vẻ gì khi nhìn thấy thằng hàng xóm của mình đang giàu lên”. Đó là câu nói nổi tiếng trong giới đầu tư về tâm lý so sánh và những áp lực đè nặng mà nó tạo ra. Nó cũng giống như cách chúng ta bị bố mẹ so sánh với “Con nhà người ta” thời còn niên thiếu. Và cũng là cách “Return on Equity – ROE” và “Cost of Equity” so kè nhau trước mỗi quyết định đầu tư của mỗi một ông chủ, nhà đầu tư, hay bất kỳ nhà tư bản nào. Hôm nay, chúng ta sẽ gặp gã đầu tiên mang tên: “Return on Equity”

Gã đầu tiên này luôn được yêu quý bởi nhà tiên tri xứ Omaha: Warren Buffett. Ông coi ROE là chỉ số quan trọng nhất trước mỗi quyết định đầu tư của mình.

Thành thực mà nói, công thức tạo nên gã ROE này khá khô khan. Nhưng để hiểu nôm na, bạn có thể tưởng tượng về câu chuyện anh thanh niên mang tên Trusthim khởi nghiệp bằng quán phở tại ngôi làng Trustville. Anh ta bỏ ra số vốn ban đầu là 1 tỷ đồng; không vay ngân hàng, 100% vốn thịt. Số tiền được dành để mua bàn ghế, trả tiền thuê nhà dài hạn; mua dụng cụ làm bếp, nguyên liệu, trả lương đầu bếp cho vài tháng hoạt động đầu tiên, … 1 tỷ đồng này chính là Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Phở, trong đó anh ta là cổ đông duy nhất.

Nhờ vị trí thuận lợi, nước phở ngon, cửa hàng phở làm ăn khá phát đạt. Sau một năm, Trusthim thu về lợi nhuận sau thuế 200 triệu đồng.

Như vậy, quán phở đã mang lại cho Trusthim một tỷ suất lợi nhuận 20% trên vốn đầu tư ban đầu. Đây chính là hiện thân của gã ROE. Nôm na, ROE chính là tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn mà cổ đông bỏ ra sau một năm. Vì bản chất con người là tham lam nên ROE càng cao, anh thanh niên càng vui mừng; ROE càng thấp; Trusthim càng khổ đau. Và đây là cơ sở để các anh thanh niên như Trusthim đi so sánh 20% kiếm được với tỷ suất tại các kênh đầu tư khác hay so sánh chính với gã hàng xóm “Cost of Equity”.

Vậy có những lý do gì để gã ROE trở nên to lớn và khỏe mạnh? Có 3 lý do chính như sau:
• Đòn bẩy cao: Giả sử thay vì bỏ ra 1 tỷ tiền túi, Trusthim vay 600 triệu từ ngân hàng và chỉ dùng 400 triệu tiền túi. Nếu như năm đầu được ưu đãi lãi vay, ROE của anh thanh niên lúc này lên tới tận 50% thay vì 20% như trước.
• Biên lợi nhuận cao: Về cơ bản, bán 1 bát phở lãi càng nhiều, lợi nhuận sau thuế thu về càng cao. ROE tăng theo cũng là điều dễ hiểu.
• Vòng quay tài sản cao là việc cùng thuê một căn nhà, cùng mua vài chục bộ bàn ghế nhưng một ngày anh thanh niên bán được 100 bát phở thay vì 50 bát. Như vậy, có thể không cần biên lợi nhuận cao nhưng vì sản lượng nhiều, tối ưu hóa tài sản tốt; Trusthim vẫn có thể có ROE cao.

Nhưng chỉ cao thôi là chưa đủ với giới đầu tư khó tính như Warren Buffet!

Vì họ cần ROE vừa cao vừa bền vững. Tuy nhiên thường có rất hiếm công ty thuộc dạng này. Hầu hết chúng có đặc điểm chung là có lợi thế cạnh tranh đặc biệt, hay dưới tên gọi khác trong ngành đầu tư là Economic Moat (Hào kinh tế). Điều này làm chúng ta liên tưởng tới các tòa lâu đài thời trung cổ bao quanh là con hào mênh mông nước và bãi chông. Con hào này có nhiệm vụ sẽ bảo vệ tòa lâu đài khỏi quân xâm lược. Điều này cũng tương tự như lợi thế cạnh tranh sẽ giúp các công ty chống đỡ tốt trước các đối thủ cạnh tranh và duy trì một mức ROE hấp dẫn. Quán phở của Trusthim có thể cũng như vậy, ví dụ:
• Đặt tại vị trí đắc địa tại cổng làng Trustville khiến khách vào nườm nượp
• Hoặc sở hữu công thức bí mật pha chế nước phở thanh và ngon. Khách hàng sẵn hàng trả giá cao hơn so với bát phở tại quán khác.

Và đó là lý do khiến nó duy trì được ROE cao và bền vững trong nhiều năm.

Chào các bạn, đây là chuyên mục Tictionary. Và bây giờ các bạn đã hiểu vì sao Buffett coi ROE là chỉ số quan trong nhất và luôn yêu thích những công ty có lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Nhưng nếu chỉ nhìn vào gã ROE không thôi liệu có đủ? Tại sao ROE luôn có gã hàng xóm đáng gờm Cost of Equity để so kè?

Cùng đón đọc Phần 2 của chúng mình nhé ^^!

2 thoughts on “Tictionary 13: Chuyện về hai gã hàng xóm: “Return on Equity” và “Cost of Equity”

    • admin says:

      Trustville cảm ơn bạn Trọng đã ủng hộ bài viết. Mong bạn Trọng tiếp tục theo dõi và đưa ra quan điểm của bạn ở các bài đăng tiếp theo của bọn mình nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *