Theo một số nguồn tin từ Financial Times và Wall Street Journal, tập đoàn Softbank đang gần đạt được thỏa thuận bán Công ty thiết kế chip của Anh: Arm Holding cho Nvidia, một công ty sản xuất chip đồ họa lớn. Đây là động thái mới nhất trong việc bán chuỗi các tài sản của ông lớn Softbank, với tổng giá trị thương vụ lên tới hơn 40 tỷ USD. Softbank đang phải chịu áp lực từ các cổ đông là các quỹ đầu tư chủ động (Activist Fund) trong việc cải thiện quản trị doanh nghiệp, giảm bớt nợ vay và mua lại cổ phiếu quỹ từ đầu năm 2020. Hệ quả là từ tháng 3/2020, Softbank đã công bố kế hoạch bán hơn 41 tỷ USD tài sản để giảm nợ vay 23 tỷ USD và mua lại cổ phiếu quỹ với giá trị 18 tỷ USD. Một loạt các thương vụ đang được đặt trên bàn đàm phán bao gồm: một phần sở hữu tại Alibaba, T-mobile, và mới đây nhất là toàn bộ cổ phần tại Arm Holding. Softbank mua Arm Holding 4 năm trước đây với giá 32 tỷ USD, và nếu thành công, đây sẽ là thương vụ đầu tiên trong chuỗi kế hoạch bán tài sản của Softbank (được sở hữu hơn 22% bởi tỷ phú người Nhật: Masayoshi Son). Ở một động thái khác, trong thời gian gần đây, Softbank được cho là đã thiết lập các vị thế quyền chọn mua với tổng giá trị 50 tỷ USD vào những công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Amazon, Microsoft, Netflix, Tesla,… Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá của các cổ phiếu công nghệ này tăng chóng mặt trong quý 3/2020 trước khi có sự điều chỉnh mạnh vào tuần trước.
Về phần thương vụ giữa Arm Holding và Nvidia, Arm Holding là một trong những công ty quan trọng nhất thế giới trong ngành sản xuất chip, khi cung cấp thiết kế cho hơn 95% chip sử dụng cho smartphone trên toàn cầu. Trong khi đó, Nvidia nổi tiếng trong việc sản xuất chip đồ họa được sử dụng nhiều trong các trò chơi điện tử, điện toán đám mây, … có nhu cầu tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid 19 xảy ra. Giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn 100% trong năm nay. Nếu thương vụ trên thành công, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất trong ngành sản xuất chất bán dẫn (semiconductor industry), và khả năng trở thành thương vụ M&A lớn nhất thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên, nhiều khả năng thương vụ trên sẽ chịu một vài rào cản đến từ việc điều tra chống độc quyền từ các nhà chức trách tại Mỹ và phản ứng từ các khách hàng của Arm vốn là các nhà sản xuất chip, sản xuất điện tử như Intel, Samsung Electronics hay Apple.