Trustflash: “THẬP NIÊN MẤT MÁT” – LIỆU TRUNG QUỐC CÓ TRỞ THÀNH NHẬT BẢN THỨ HAI?

Cục thống kê quốc gia Trung Quốc vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 (CPI) giảm 0.3% so với năm ngoái, một dấu hiệu của giảm phát. Liệu Trung Quốc có rơi vào giảm phát dài hạn như Nhật, hay thậm chí còn tệ hơn? Cùng Trustflash tuần này phân tích các yếu tố liên quan nhé!

Để trả lời câu hỏi trên, hãy nhìn vào công thức này. Nó có tên gọi là Cobb-Douglas. Và nó xuất hiện trong mọi giáo trình kinh tế Vĩ Mô trên giảng đường Đại học; hoặc thậm chí giáo trình kinh tế học trong chương trình CFA.

Cụ thể, GDP hay tốc độ tăng trưởng GDP của một quốc gia sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố:
– K: Capital đại diện cho vốn;
– L: Labour đại diện cho lực lượng lao động, dân số; và
– A hay T: Technology đại diện cho công nghệ.

Hay nói một cách nôm na dễ hiểu, một quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn khi dân số gia tăng, tích lũy tư bản và cuối cùng là có những công nghệ đột phá để thay đổi năng suất lao động. Hãy cùng phân tích từng yếu tố trên của nền kinh tế Trung Quốc trong suốt thập kỷ vừa qua.

Thứ nhất, yếu tố L – Lực lượng lao động.

Chúng ta đều biết Trung quốc tận dụng giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ lớn để phát triển thần kỳ. Nhưng từ cuối năm 2022, Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn tăng trưởng dân số âm. Lực lượng lao động cũng không phải ngoại lệ. Dù Trung Quốc đã cho phép các gia đình sinh con thứ 2 từ năm 2015, nhưng để chính sách này có hiệu quả, chúng ta sẽ phải chờ ít nhất 15-20 năm. Điều tương tự cũng đã và đang xảy ra ở Nhật Bản khi dân số già hóa triệt tiêu động lực tăng trưởng.* Với một đất nước có quy mô dân số lớn như Trung Quốc, viễn cảnh được dự đoán còn tồi tệ hơn.

Dân số vàng đã giúp Trung Quốc có điều kiện thuận lợi trong quá trình tích lũy tư bản, từ đó đầu tư vào cơ sở hạ tầng như xây dựng đường xá, phát triển bất động sản… tạo động lực cho nền kinh tế. Đây là chìa khóa vàng kích thích kinh tế với Trung Quốc mỗi khi nền kinh tế suy yếu trong thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên những năm gần đây, mức độ phát triển của Trung Quốc không còn tỷ lệ thuận với mức độ chi tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, hoặc nói một cách đơn giản, Trung Quốc đang bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng nhưng không thu lại như họ kỳ vọng. Hình ảnh một sân bay hoành tráng nhưng vắng bóng người tại tỉnh Quý Châu hay các tuyến đường cao tốc 8 làn xe chạy vắng tanh tại tỉnh Hà Nam không còn lạ lậm với người dân Trung Quốc. Biến K đã không còn hiệu quả, cho dù tỷ lệ đóng góp từ vốn đầu tư vào GDP tại Trung Quốc cao gấp đôi so với trung bình thế giới và đối thủ cạnh tranh: Mỹ.

Vậy còn công nghệ – yếu tố T? Người Trung Quốc có lẽ cũng nhận thức rất rõ được nếu chỉ dựa vào dân số và K thì không thể tiến xa trong dài hạn. Họ đã đầu tư rất nhiều để sao chép, học hỏi và hiện tại họ đang tự phát triển công nghệ lõi. Liệu biến số công nghệ này có gánh được sức nặng của nền kinh tế tỷ dân? Con đường nào cho Việt Nam khi chúng ta cũng đang được hưởng lợi phát triển từ K và L, nhưng dân số bắt đầu già hóa trong khi T thì mới chập chững bắt đầu?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *