Trustinsight 1: The Capitol Hill – Đẻ nhiều phải trông

Deadline tuổi 30 của chính phủ, khủng hoảng kinh tế, làn sóng in tiền,.. đang là những từ khoá “trendy” trong các cuộc tranh luận thời gian gần đây. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, những từ khoá trên khiến Trustville liên tưởng tới chuyện “ĐẺ NHIỀU PHẢI TRÔNG” diễn ra vào thập niên 50 của thế kỷ trước, tại nước Mỹ xa xôi.

Sau thế chiến thứ 2, nước Mỹ bước vào thời kỳ bùng nổ dân số (Baby boom), giai đoạn 1946 – 1964. Cụ thể, tỷ lệ sinh hàng năm tăng vọt lên mức 2.5% so với mức 1.9% của giai đoạn trước đó. Tại những thời kỳ cao điểm, cứ 7 giây trôi qua lại có một đứa trẻ ra đời. Có 2 nguyên nhân chính giải thích cho sự kiện trên:

Nhiều cặp vợ chồng đã hạn chế sinh con, trong giai đoạn chiến tranh hay cuộc Đại khủng hoàng trước đó, bắt đầu nghĩ đến việc sinh con tại thời điểm này. Thế giới bây giờ đã an toàn hơn rất nhiều, và việc của chúng ta là ĐẺ!

Các chính sách khuyến khích việc kết hôn và có con sớm của chính phủ Mỹ đạt hiệu quả (nghe hơi giống ý chí của Việt Nam hiện tại nhỉ ?). Có tới 2.2 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 1946, một kỷ lục tận tới năm 1970 mới bị phá vỡ. Chị em cứ 20 đến 22 tuổi là phơi phới đi lấy chồng.

“Baby boom” khiến cho nhu cầu trông trẻ tại Mỹ bùng nổ. Phí trông trẻ trở nên khá đắt đỏ khiến các mô hình hợp tác xã trông trẻ bắt đầu ra đời. Một trong số đó là Capitol Hill, được thành lập vào cuối thập niên 50 bởi các gia đình nghị sỹ tại Washington DC. Mô hình hoạt động của nó được tóm gọn như sau:

Các gia đình là thành viên của hợp tác xã sẽ trông trẻ giúp nhau trong thời gian nhàn rỗi. Ban đầu, hợp tác xã giao cho mỗi gia đình thành viên 40 coupon (giá trị tương đương 20 giờ trông trẻ) và yêu cầu họ trả lại đúng số coupon ban đầu nếu như họ rời khỏi hợp tác xã.

Khi trông trẻ cho gia đình khác, mỗi gia đình sẽ nhận được số lượng coupon tương ứng với thời gian trông trẻ từ những gia đình gửi trẻ.

Chỉ sau một vài năm hoạt động, Capitol Hill rơi vào một cuộc khủng hoảng. Các thành viên ban đầu nghĩ rằng họ nên tiết kiệm coupon càng nhiều càng tốt trước khi họ chi coupon. Và họ bắt đầu nhận trông trẻ bất cứ khi nào có nhu cầu mới xuất hiện. Dần dà, nhu cầu nhờ trông trẻ giảm dần. Một số người lo sợ và bắt đầu tích trữ coupon cho mình đề phòng cho những dịp đặc biệt có nhu cầu cần gửi con (kì nghỉ lễ, các dịp Tết …). Cuối cùng, tất cả các gia đình đều sợ số lượng coupon họ có không đủ cho họ dùng trong tương lai, và họ quyết định ở nhà tự trông trẻ thay vì ra ngoài. Điều này cũng khiến cho việc kiếm thêm coupon từ người khác là không thể vì không có nhu cầu nhờ trông trẻ mới.

Paul Krugman, người đạt giải Nobel kinh tế năm 2008, cho rằng: sự sụp đổ của Capitol Hill đến từ việc khan hiếm coupon trong hệ thống vận hành. Giá trị của mỗi tấm coupon là cố định (tương đương 30 phút trông trẻ), và số lượng ban đầu được phát cho mỗi gia đình chỉ là 40 coupon; trong khi đó nhu cầu trông trẻ luôn biến động theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc, một tấm coupon họ kiếm được khi trông trẻ cho 1 gia đình khác vào mùa đông cũng chỉ có giá trị tương đương với một tấm coupon họ chi tiêu vào thời điểm mùa hè (lúc nhu cầu trông trẻ cao hơn do các cặp đôi đi nghỉ lễ nhiều). Từ đó tạo ra tâm lý muốn tích trữ, tiết kiệm coupon thay vì chi tiêu chúng. Và sự đình trệ trong hợp tác xã là hậu quả tất yếu. Paul Krugman đưa ra cách giải quyết khá đơn giản: hợp tác xã sẽ bơm thêm coupon vào hệ thống trong thời gian khan hiếm và ngược lại. Từ đó, tâm lý nói trên của các hộ gia đình sẽ bị xóa bỏ. Hệ thống hợp tác xã sẽ vận hành trơn tru hơn, nguồn cầu và nguồn cung trông giữ trẻ cũng được gia tăng.

Lời kết

Vấn đề của Capitol Hill hoàn toàn tương đồng với vấn đề các nền kinh tế gặp phải khi lâm vào khủng hoảng. Giải pháp mà Paul Krugman đưa ra cho Capitol Hill cũng là cách các ngân hàng trung ương đang giải quyết với các nền kinh tế. Vậy mối liên hệ tưởng như không hề có giữa việc trông trẻ với các cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ được giải thích cụ thể như thế nào? Tất cả sẽ nằm ở phần 2 của chuỗi bài viết này của chúng mình, mang tên “Khủng hoảng kinh tế và nghịch lý tiết kiệm (Paradox of Thrift or Paradox of saving)”. Hãy chờ đón đọc nhé!

P/s: Quay trở lại với Việt Nam, chúng ta đều đang có deadline của Thủ tướng vào trước năm 30 tuổi. Chúng ta cũng nên nghĩ cách để hoàn thành, và tính xa nếu như phí trông trẻ trở nên đắt đỏ. Ai biết được, 5 – 10 năm nữa VN lại có Baby boom tương tự như Mỹ thì sao nhỉ ?

Một số nguồn tham khảo:

  • https://en.wikipedia.org/wiki/Baby_boom?fbclid=IwAR0YrEA8XuJaDWT4YfqmXMkGQJ4HbIeF7Ka9OFaAk6GQoIddKeIPsRY13M4
  • http://www.eecs.harvard.edu/cs286r/courses/fall09/papers/coop.pdf?fbclid=IwAR0kHIvUUNDC0nmx5e9dmJM6YvlYIHmDzVmZDLIj3v1-QNQsQxaxzESuhPU
  • https://www.ft.com/content/f74da156-ba70-11e1-aa8d-00144feabdc0?fbclid=IwAR2pLfVatgEX-yqxdMKODK1p5l3_rWqxYc13brSMlp1gNuHcE-lENd6AAZc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *