Tiếp theo sau Phần 01: The Capitol Hill – Đẻ nhiều phải trông, mời các bạn tiếp tục đón đọc Phần 02: Khủng hoảng kinh tế và nghịch lý tiết kiệm (Paradox of Thrift or Paradox of saving)
MẤT TIỀN!
Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới đều có 1 điểm chung. Đó là đều bắt nguồn từ một sự kiện khiến thu nhập của người dân sụt giảm đột ngột (Đại khủng hoảng 1929 – 1932, Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, Khủng hoảng bong bóng Dotcom 2000, Khủng hoảng giá dầu 1970…). Từ đó, một chuỗi sự kiện theo dây chuyền có thể khiến khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, nếu không có sự can thiệp của chính phủ.
Con người có xu hướng dự trữ tiền mặt và tài sản đề phòng cho trường hợp khẩn cấp/cơ nhỡ. Khi nguồn thu sụt giảm đột ngột, xu hướng này càng rõ nét hơn. Họ sẽ giảm bớt chi tiêu và tăng tiết kiệm. Và khi chi tiêu người này chính là nguồn thu người kia thì công ăn việc làm của tất cả sẽ đều sụt giảm. Từ đó, nỗi lo sợ của mọi người và nhu cầu dự trữ tiền mặt tiếp tục gia tăng và lan rộng trong nền kinh tế. Vòng xoáy trên liên tục diễn ra và sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng qua nhiều năm nếu như không có sự can thiệp kịp thời và mạnh mẽ của chính phủ.
ĐẠI KHỦNG HOẢNG NĂM 1929
Cuộc đại khủng hoảng năm 1929 -1932 bắt nguồn từ sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối năm 1929, vốn đã mang đầy tính đầu cơ trước đó. Cùng với sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, tài sản và thu nhập của rất nhiều người dân Mỹ sụt giảm nghiêm trọng.
Họ cắt giảm chi tiêu, nhu cầu sụt giảm, hàng triệu người dân Mỹ thất nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ nền kinh tế của chính quyền tổng thống Hoover không quyết liệt. Thậm chí việc bảo hộ thương mại qua đạo luật thuế Smoot–Hawley, còn gây tác động ngược khiến nền kinh tế suy thoái đến tận năm 1932. Hàng loạt hệ quả sau đó như: tăng trưởng kinh tế chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao,… đã kéo dài đến 1 thập kỷ.
NGHỊCH LÝ TIẾT KIỆM
Hiện tượng nói trên được các nhà kinh tế học gọi là “Nghịch lý tiết kiệm” (Paradox of Thrift or Paradox of saving). Về nguyên tắc, tiết kiệm thì sẽ có lợi cho nền kinh tế vì nền kinh tế sẽ có vốn thặng dư để đầu tư thêm, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, trong trường hợp khủng hoảng, nếu đồng loạt người dân tiết kiệm, mọi chuyện chắc chắn sẽ tồi tệ hơn.
Có lẽ đến đây, các bạn đã bắt đầu nhận ra điểm tương đồng giữa khủng hoảng kinh tế với khủng hoảng trông trẻ tại phần 1 của chuỗi bài viết này. Việc không sẵn sàng chi ra các coupon trong Capitol Hill cũng tương tự với việc người dân không sẵn sàng chi tiêu trong khủng hoảng.
Và nếu như Capitol Hill in coupon phát cho mọi người để giải quyết vấn đề thì các ngân hàng trung ương cũng làm động tác tương tự: In tiền! Kể từ sau 1929-1932, hầu hết các quốc gia đảo ngược các cuộc khủng hoảng bằng cách: in nhiều tiền hơn, cho vay ra với các mức lãi suất thấp hơn. Lịch sử cho thấy nó khá hiệu quả!
LỜI KẾT
Cuộc khủng khoảng lần này có lẽ cũng không khác biệt nhiều. Đã có những nỗi sợ về thu nhập sụt giảm xuất hiện. Trong một hội nghị bàn tròn, ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT khi nhận định về tương lai phía trước của cộng đồng doanh nghiệp, nhấn mạnh: “Hiện nay có 3 con virus cùng tồn tại, thứ nhất là virus gây COVID-19, thứ hai là virus sợ hãi, thứ ba là virus tiêu dùng tối thiểu đang bóp chặt chi tiêu của người dân”. Các doanh nghiệp bán lẻ hơn ai hết, cũng đang cảm nhận được ảnh hưởng từ việc nhu cầu chi tiêu sụt giảm này như thế nào!
Vậy các NHTW đang làm như thế nào để đối phó? Bối cảnh và nguồn lực lần này có gì khác? Đón chờ tại phần 3 chuỗi bài viết: “IN TIỀN”.