Với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), về quyền của cổ đông phổ thông, Điều 115, Luật DN (sửa đổi) quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền xem xét, tra cứu và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, quyết định của HĐQT, báo cáo tài chính, yêu cầu triệu tập họp đại đội đồng cổ đông trong một số trường hợp… Luật cũng bãi bỏ quy định về thời gian sở hữu “ít nhất 6 tháng liên tục”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bãi bỏ quy định này nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của cổ đông. Bởi thực tế, nhiều trường hợp nhà đầu tư đã mua lượng cổ phần rất lớn trong DN, nhưng do chưa đáp ứng được quy định về thời gian sở hữu ít nhất 6 tháng liên tục, nên không thực hiện được quyền và lợi ích chính đáng của mình…
Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể hơn các khái niệm, định nghĩa về Doanh nghiệp nhà nước, xử lý cổ phần được mua lại của công ty cổ phần v.v…
Với Luật PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định không quy định loại hợp đồng BT tại Dự thảo Luật PPP trình Quốc hội thông qua vào ngày hôm qua. Đồng thời, cũng đã quy định rõ tại khoản 5 và khoản 6, Điều 101 (Quy định chuyển tiếp) các trường hợp chuyển tiếp đối với dự án BT đã và đang triển khai thực hiện trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành.
Cùng với đó, đã bổ sung điểm d, khoản 5, Điều 101 về việc dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT, bổ sung khoản 6, Điều 101 quy định: “Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020”.