❓ Tại sao cổ phiếu lại tăng giá hoặc giảm giá?
Một trong những phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến nhất hiện tại là định giá bội số (Multiple valuation) thông qua các chỉ số P/E, P/B, EV/EBITDA. Và đứng trên góc độ của phương pháp này (Giá cổ phiếu kỳ vọng = P/E mục tiêu*EPS tương lai) , câu hỏi về việc tại sao cổ phiếu tăng giá hoặc giảm giá có thể được giải thích đơn giản bởi 2 lý do:
- Lợi nhuận công ty trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng hoặc giảm trong tương lai (Earning growth)
- P/E mục tiêu mà thị trường chấp nhận tăng hoặc giảm (Multiple re-rating)
Nếu như lý do đầu tiên khá phổ biến và là mục tiêu hàng đầu của các analyst trong việc cố dự báo nó một cách chính xác; đôi khi giá cổ phiếu trên thị trường cũng thay đổi một cách bất ngờ bởi lý do thứ 2: “Multiple Re-rating”
❓ Có những lý do nào khiến cổ phiếu được “re-rate”?
Khi một cổ phiếu được “re-rate”, đồng nghĩa với việc quan điểm của nhà đầu tư trên thị trường về cổ phiếu đó (Investor Sentiment) thay đổi. Ví dụ, một cổ phiếu bị quên lãng (out-of-favor stock) ngày trước chỉ được giao dịch với P/E 5 lần, bỗng một ngày thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư và được thị trường sẵn sàng trả với P/E 10 lần, đồng nghĩa với việc re-rate. Vậy thì tại sao Investor Sentiment thay đổi, hay cổ phiếu được re-rate? Sau đây là một số lý do, theo quan điểm của chúng tôi, dẫn tới “Multiple re-rating”:
- Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cổ phiếu thay đổi: Đây là lý do phổ biến nhất. Khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn nhiều trong quá khứ, nhà đầu tư trên thị trường có thể sẵn sàng trả mức P/E, P/B cao hơn nhiều so với mức họ đã từng trả trong quá khứ.
Ví dụ: Nếu như trước năm 2017, hiếm khi nào thị trường trả cho MBB mức P/B trên 1, nhưng sau khi có sự thay đổi về đội ngũ BLĐ với chiến lược kinh doanh năng động hơn và kỳ vọng tăng trưởng về lợi nhuận lớn hơn, cổ phiếu MBB đã được thực sự rerate lên mức P/B trung bình là 1.4 lần giai đoạn sau đó.
- Tỷ lệ trả cổ tức thay đổi: Đây có thể là lý do giải thích cho chu kỳ tăng giá tại thị trường Mỹ nửa đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, đặc biệt là giai đoạn 2017 – 2018. Dưới chính sách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận gia tăng, rất nhiều công ty đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt, hoặc mua lại cổ phiếu quỹ (một hình thức tương đương với trả cổ tức bằng tiền mặt). Giá trị mua lại cổ phiếu quỹ năm 2018 tăng 55% lên mức kỷ lục 806 tỷ USD bởi rất nhiều công ty vốn hóa lớn như Apple, Microsoft, Oracle. P/E của các cổ phiếu này đều tăng gấp 2 – 2.5 lần sau đó.
- Thay đổi mặt bằng lãi suất: Đây là những gì diễn ra trong suốt năm 2020, ở Việt Nam và toàn cầu. Với việc lãi suất suất giảm mạnh, lợi suất yêu cầu của nhà đầu tư với những tài sản rủi ro như cổ phiếu cũng giảm theo tương ứng. Do vậy mức E/P (Earning yield) nhà đầu tư yêu cầu với cổ phiếu cũng giảm theo, đồng nghĩa với việc chấp nhận trả mức P/E cao hơn. Lợi nhuận các công ty có thể không cải thiện do bị ảnh hưởng bởi dịch, nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng là vì vậy.