De-pre-ciat-ion: sự khấu hao, hao mòn
Mọi người sẽ gặp thuật ngữ này phổ biến nhất khi tính toán hao mòn giá trị tài sản, giá trị tài sản còn lại sau thời gian sử dụng hoặc trong tính toán dòng tiền của doanh nghiệp phục vụ cho mục đích định giá. Trước hết phải khẳng định khấu hao là một chi phí thực tế của doanh nghiệp và nó thể hiện sự tụt giảm giá trị tài sản qua thời gian sử dụng và được ước tính bằng các phương pháp khác nhau trong kế toán (khấu hao đường thẳng, tăng tốc hay đơn vị sử dụng). Điều này là phù hợp với quy luật đa số tài sản qua thời gian sử dụng sẽ cũ đi, hiệu năng giảm dần và dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại giảm theo.
Khi chúng ta nghiên cứu về định giá doanh nghiệp thì thấy rất phổ biến khái niệm EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và phân bổ) và các phương pháp định giá bằng tỉ số (multiples) theo EBITDA. Lý do EBITDA được sử dụng là do nó là ước tính gần và dễ dàng nhất cho dòng tiền mà người chủ doanh nghiệp (chủ nợ và chủ sở hữu) nhận được và loại bỏ tác động của cấu trúc nguồn vốn khỏi lợi nhuận doanh nghiệp. Nhưng liệu cách tính này có hợp lý không? Liệu người chủ doanh nghiệp có thể thu được lại lợi ích tương lai từ doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không tái đầu tư để duy trì năng lực kinh doanh? Liệu một cỗ máy có thể sinh tiền mãi mãi nếu không được bảo dưỡng chứ không nói đến nâng cấp và thay thế? Vì lý do đó chúng tôi nghĩ rằng việc sử dụng EBITDA khi định giá và phân tích doanh nghiệp sẽ dễ tạo ra bức tranh quá hồng về hoạt động của doanh nghiệp và bỏ qua sự thật cơ bản: khấu hao là một chi phí kinh tế thực.