TrustInsight: ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA VỚI BOEING? (PART 1)

Cuộc đình công của 33,000 kỹ sư Boeing vào tháng 9/2024 tại Thành phố Seattle, nơi được coi là thành phố đáng sống nhất bờ Tây nước Mỹ, đánh dấu một trong những thời điểm đen tối nhất trong lịch sử của hãng sản xuất máy bay Boeing, niềm tự hào của nền công nghiệp Mỹ trong thế kỷ 20. Nhưng đây chỉ là một trong một chuỗi các vấn đề xảy ra với Boeing trong vòng 5 năm trở lại đây, liệu đó là chuỗi các sự kiện đen đủi ngẫu nhiên hay cùng chung một lý do. Hãy cùng Trustville, nhìn lại những gì đang xảy ra với Boeing, nguyên nhân và bài học rút ra từ câu chuyện của một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới này nhé.

1. THỜI THẾ THẾ THỜI VÀ CUỘC ĐÌNH CÔNG TẤT YẾU

Ngày 13/09/2024, 33,000 kỹ sư tiến hành cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử hãng, khiến cho mọi hoạt động sản xuất máy bay tạm ngừng, tiêu tốn hàng trăm triệu USD/tuần. Nguyên nhân chủ yếu phía công đoàn đưa ra đối với Ban lãnh đạo Boeing là thu nhập người lao động trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ tăng 8%, không đủ bù cho mức lạm phát tăng hơn 46% trong cùng giai đoạn. Bên cạnh đó, chi phí sống tại Seattle, thủ phủ của Boeing cũng thuộc hàng cao nhất nước Mỹ, cao hơn 36.1% so với mức trung bình các thành phố khác kể từ khi một loạt các doanh nghiệp công nghệ đặt bản doanh tại đây trong 2 thập kỷ vừa qua, điển hình là Microsoft và Amazon. Nếu như tại năm 2023, một nhân viên tại Microsoft có thu nhập trung bình là 200k usd/năm thì con số này ở Boeing chưa bằng 1 nửa, 75k usd/năm. Lương theo giờ tại một nhân viên nhà kho tại Amazon, không yêu cầu bằng đại học là 22 usd, xấp xỉ cao hơn lương theo giờ khởi điểm tại Boeing là 21 usd. Boeing từng là niềm tự hào của nền công nghiệp nước Mỹ thế kỷ 20, nơi là cái nôi nuôi dưỡng 3 thế hệ (ông – cha – con) của nhiều gia đình tại Seattle, giờ đây đã thụt lùi trong việc trở thành một môi trường làm việc lý tưởng tại Seattle. Nhiều gia đình đã để lại lời khuyên cho thế hệ thứ 4 về việc không tiếp nối nghiệp cha ông vì kế sinh nhai. Cuối cùng, sau 7 tuần đàm phán, ban lãnh đạo Boeing đã phải chấp thuận điều kiện: tăng 38% lương cho kỹ sư/công nhân trong vòng 4 năm. Ngoài ra, Boeing cũng sẽ phải bổ sung thêm các phúc lợi khác cho các nhân viên, ngoài chương trình lương hưu 401(k) (một dạng Defined Contribution Plan: chi tiết CFA level 2 môn FSA) đã bị ban lãnh đạo Boeing thay thế cho chương trình lương hưu Defined Benefit Plan (chi tiết CFA level 2 môn FSA) bởi lý do cắt giảm chi phí cách đây 10 năm.

2. LOẠT BÊ BỐI LIÊN QUAN ĐẾN AN TOÀN HÀNG KHÔNG

Vào một buổi chiều đẹp trời ngày 07/01/2024, chuyến bay số 1282 của hãng hàng không Alaska Airlines bắt buộc phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một cánh cửa tại hàng ghế số 27 đột nhiên bay ra khỏi chiếc máy bay 737 Max Jet 9 do Boeing sản xuất (Video: https://www.youtube.com/shorts/T9G1b-Q1TCQ ). 171 hành khách đã được trải nghiệm “điều hòa gió trời” tại độ cao gần 5000 m trong vòng 10 – 15 phút trước khi máy bay được hạ cánh khẩn cấp an toàn tại sân bay Portland, Seattle. May mắn thay, tất cả hành khách được an toàn, tuy nhiên Cục hàng không Liên bang Mỹ FAA đã ngay lập tức hạn chế việc sản xuất máy bay 737 của Boeing cho đến khi các điều tra về vấn đề an toàn được làm rõ. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng 737 (Backlog) của Boeing hiện tại lên tới 5000 chiếc. Sau đó 9 tháng, tàu vũ trụ của Boeing đã phải quay trở lại mặt đất mà không kèm theo 2 phi hành gia vì lý do an toàn. 2 phi hành gia người Mỹ: Barry và Sunita sẽ ở lại trên trạm hàng không vũ trụ quốc tế của NASA và quay trở lại trái đất vào đầu năm 2025 trên một phương tiện khác của Space X. NASA cũng đã hủy bỏ kế hoạch cấp chuyến bay vào vũ trụ trong năm tới cho Boeing. Hai sự kiện nói trên cũng chỉ là giọt nước tràn ly về nghi vấn an toàn của Boeing, vốn đã trong tầm ngắm của FAA kể từ sau 2 tai nạn chết người, 5 năm về trước có liên quan tới máy báy 737 Max. Trong vòng 5 tháng, giai đoạn 2018 – 2019, 2 tai nạn liên tiếp của hai hãng hàng không Lion Air (Indonesia) và Ethiopian Airlines (Ethiopia) đã làm 346 người thiệt mạng. Cả hai vụ tai nạn đều xảy ra nhanh chóng sau khi máy bay vừa cất cánh và đều liên quan tới một loại máy bay: 737 Max 8, mẫu máy bay bán chạy nhất trong vòng 2 năm trước đó và là sản phẩm chiến lược của Boeing trong cuộc chiến máy bay thân hẹp với Airbus.

3. TÀI CHÍNH KIỆT QUỆ, CỔ PHIẾU LAO DỐC

Sau 2 sự cố tai nạn giai đoạn 2018 – 2019, Boeing bị điều tra trên diện rộng. Tháng 12 năm 2019, công ty bắt buộc phải tạm dừng việc sản xuất máy bay 737, cổ phiếu của Boeing đã lao dốc từ 350 USD/cổ phiếu về mức đáy 100 USD/cổ phiếu năm 2020. Trong suốt giai đoạn đó đến nay, Boeing chỉ có lãi duy nhất 3 quý tài chính và lỗ liên tục kể từ giữa năm 2022 đến nay. Nhà đầu tư cũng đã chấp nhận với việc lợi nhuận của Boeing sẽ tiếp tục thấp một thời gian dài nữa, giá cổ phiếu chỉ còn mức 150 USD, bằng 1/3 so với đỉnh lịch sử. Thậm chí, sức khỏe tài chính của Boeing ở trong tình trạng báo động khi CFO Brian West tuyên bố Boeing sẽ hết sạch tiền vào năm 2025 nếu như không phát hành được thêm vốn chủ. Với công suất sản xuất 50 chiếc MAXs và 10 chiếc Dreamliners một tháng, dòng tiền Boeing có thể thu về 10 tỷ USD/năm. Tuy nhiên với việc đình công hoặc tạm ngừng sản xuất vì lý do an toàn, chỉ cần trong vài tháng con số trên sẽ giảm thiểu đáng kể và chỉ là phần nhỏ so với 58 tỷ usd nợ vay trên bảng cân đối kế toán, trong đó có 12.5 tỷ usd đáo hạn trong năm 2025 và 2026. Boeing đã phải lên kế hoạch huy động 10 tỷ usd từ cổ đông như một nỗ lực để cân bằng lại cán cân tài chính của mình trong năm tới. Tuy nhiên điều này tiếp tục làm cổ đông đau đầu khi lợi ích của họ bị pha loãng. Ngoài ra, tình hình tài chính hiện tại còn làm Boeing tiếp tục thụt lùi so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ là Airbus trong cuộc chiến máy bay thân hẹp. Trong nửa thập kỷ tới, Boeing cần phải đầu tư lượng CAPEX (Đầu tư tài sản cố định) rất lớn để phát triển model máy bay thân hẹp mới thay thế cho Model Max hiện tại. Bất kỳ một sự cắt giảm nào đều làm Boeing thụt lùi trong cuộc đua với chính Airbus, cũng như lặp lại những sai lầm với dòng 737 hiện tại khi outsource quá nhiều.

Kelly Ortberg, CEO mới nhậm chức của Boeing đang đối mặt với một loạt các vấn đề cần giải quyết từ đình công, danh tiếng, chất lượng sản phẩm suy giảm cũng như các cơn đau đầu về tài chính. Các vấn đề tưởng như không liên quan nhưng có lẽ đều xuất phát từ một nguyên nhân lớn đã tồn tại ở Boeing hàng nhiều thập kỷ kéo dài. Vậy nguyên nhân đó là gì, hãy cùng Trustville giải đáp tại Phần 2 của loạt bài viết TrustInsight: Điều gì đang xảy ra tại Boeing vào tuần sau nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *