Lý thuyết Mosaic là một phương pháp phân tích trong đó nhà phân tích kết hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau—bao gồm thông tin công khai (Public), không công khai (Nonpublic) và không trọng yếu (Nonmaterial) để đánh giá giá trị thực sự của một chứng khoán.
Trước khi đi sâu vào Mosaic Theory, chúng ta cần hiểu rõ về khái niệm giao dịch dựa trên thông tin trọng yếu chưa công bố (Material Nonpublic Information – MNI) và cách mà quy định pháp luật cùng các chuẩn mực đạo đức của CFA Institute điều chỉnh việc sử dụng thông tin này.
1, Giao dịch dựa trên thông tin trọng yếu chưa công bố (Material Nonpublic Information – MNI)
Insider trading (giao dịch nội gián) là một khái niệm khá quen thuộc đối với giới đầu tư. Giao dịch này liên quan đến việc mua hoặc bán chứng khoán của một công ty niêm yết khi đang sở hữu thông tin trọng yếu nhưng chưa được công bố rộng rãi. Trong đó, thông tin trọng yếu (Material Information) là bất kỳ thông tin nào mà nếu được công bố, có khả năng tác động đáng kể đến giá của chứng khoán hoặc ảnh hưởng đến quyết định hợp lý của một nhà đầu tư. Thông tin chưa công bố (Non-public Information) là những thông tin chưa được phổ biến rộng rãi trên thị trường và chỉ có một nhóm nhỏ người liên quan trực tiếp biết đến. Ví dụ, một lãnh đạo cấp cao hoặc một quan chức chính phủ có quyền tiếp cận báo cáo kinh tế trước khi nó được công bố có thể được xem là người nắm giữ thông tin nội gián.
Theo CFA Standards, Members & Candidates (M&C) nên tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn và không sử dụng thông tin này để giao dịch nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trên thị trường.
Điều này đặt ra câu hỏi: Nếu không được phép sử dụng thông tin trọng yếu chưa công bố, có cách nào để nhà phân tích có thể thu thập dữ liệu và đưa ra quyết định đầu tư một cách hiệu quả và tuân thủ Standards? Đó chính là lúc Mosaic Theory được sử dụng.
2, Mosaic Theory
CFA Standards cho phép nhà phân tích có thể sử dụng các kết luận quan trọng được rút ra từ việc phân tích thông tin công khai (public) và thông tin không trọng yếu chưa công bố (nonmaterial nonpublic) làm cơ sở cho các khuyến nghị và quyết định đầu tư. Điều này vẫn hợp pháp ngay cả khi những kết luận đó, nếu được công ty trực tiếp cung cấp cho nhà phân tích, có thể bị coi là thông tin nội gián trọng yếu. Theo Mosaic Theory, analyst có quyền sử dụng tập hợp các thông tin này để đưa ra quyết định đầu tư mà không vi phạm các quy định về giao dịch nội gián.
Các nguồn thông tin trong Lý thuyết Mosaic:
– Thông tin công khai (Public information): Báo cáo tài chính, thông cáo báo chí, hồ sơ pháp lý và các tài liệu khác được công bố rộng rãi.
– Thông tin không công khai nhưng không trọng yếu (Nonpublic Nonmaterial Information): Thông tin thu được từ việc phỏng vấn khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh và chuyên gia trong ngành.
– Phân tích của analyst: Sử dụng kỹ năng và kinh nghiệm cá nhân để diễn giải và kết hợp các thông tin thu thập được nhằm đưa ra đánh giá về công ty, có thể tương đương với một kết luận dựa trên Material Nonpublic Information.
Ví dụ về áp dụng Lý thuyết Mosaic: Một analyst muốn đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Công ty XYZ, một doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn. Từ thông tin công khai, anh ta nhận thấy doanh thu quý gần nhất của XYZ tăng 20% nhờ nhu cầu chip AI và công ty vừa công bố kế hoạch mở rộng nhà máy. Đồng thời, qua phỏng vấn nhà cung cấp, họ phát hiện XYZ vừa đặt hàng số lượng lớn nguyên liệu, và tại một hội nghị về ngành, một số nhân viên của công ty chia sẻ rằng họ đang thử nghiệm công nghệ mới. Tổng hợp những mảnh ghép này, nhà phân tích nhận định thị trường chưa phản ánh hết tiềm năng mở rộng của XYZ và khuyến nghị MUA trước khi tin tức chính thức được công bố.

Anh Đặng Đức Văn - Chuyên gia Quản trị rủi ro - MB Ageas Life
- Passed CFA 03 levels
- Gần 10 năm kinh nghiệm công tác ở các vị trí: Financial Analyst, Head of Financial Markets Division Assistant, Fixed income and Derivative dealer (VPBank), Head of Debt Instrument Trading and Sales Desk (VPBankS)