Quantitative Easing (QE), hay Nới lỏng định lượng, là một chính sách tiền tệ phi truyền thống với việc các NHTW làm tăng cung tiền thông qua các hoạt động mua bán tài sản trên thị trường và làm thay đổi bảng cân đối tài sản của mình.
1. Tại sao phải thực hiện Nới lỏng định lượng?
Khi nền kinh tế của một quốc gia đi xuống, GDP giảm sút, NHTW sẽ cung cấp thanh khoản và thúc đẩy nền kinh tế bằng cách tăng cung tiền. Trước khi QE được áp dụng, các NHTW chủ yếu sử dụng chính sách tiền tệ truyền thống như thay đổi lãi suất điều hành, thường là lãi suất danh nghĩa ngắn hạn, từ đó thông qua sự cứng nhắc của giá cả để tác động tới lãi suất dài hạn và cuối cùng là đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi mặt bằng lãi suất đã rất thấp và tiệm cận mức sàn hiệu quả (effective lower bound, thông thường là 0% hoặc nhận giá trị âm nhẹ tùy vào từng NHTW), dư địa giảm lãi suất điều hành trở nên rất hạn chế. Lúc này, các NHTW sẽ phải thực hiện thay đổi vị thế chính sách tiền tệ theo cách khác, hay thay đổi cung tiền trực tiếp về lượng thông qua các hoạt động mua bán tài sản của mình.
2. Cách thức hoạt động của Nới lỏng định lượng
NHTW tiến hành in tiền và ghi nợ vào tài khoản của mình. NHTW mua tài sản tài chính hoặc trái phiếu dài hạn qua đó làm tăng dự trữ vượt quá tại NHTM và tăng giá tài sản tài chính, qua đó làm giảm lợi suất các tài sản này. Khi khả năng vay vốn của NHTM tăng và lãi suất giảm sẽ khuyến khích hoạt động tín dụng, tăng cường đầu tư và tiêu dùng, qua đó kích thích nền kinh tế.
3. Một ví dụ nổi bật là chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ của Fed nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Cụ thể, Fed đã mua 500 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 200 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) từ tháng 06/2020 đến tháng 11/2021 để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Nhờ đó, tài sản của Fed đã tăng 75% từ 4.2 nghìn tỷ USD vào T3/2020 lên 7.4 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020, mức tăng 3.2 tỷ USD ngang với mức tăng 3.1 tỷ USD trong chuỗi nới lỏng định lượng QE1 – QE3 Fed sử dụng trước đó để đối phó với khủng hoảng tài chính 2008.
Tác động của QE không chỉ giới hạn ở việc duy trì thanh khoản, mà còn mang lại hiệu ứng tích cực trên thị trường tài chính. Chỉ số đồng USD (DXY) đã tăng hơn 8,3% chỉ trong 10 ngày, đạt đỉnh lịch sử 103 điểm vào ngày 20/03/2020, trong khi chỉ số Dow Jones tăng mạnh từ mức thấp nhất là 19.173,98 điểm (ngày 20/03/2020) lên mức 36.100,31 điểm (ngày 19/11/2021), gần gấp đôi trong vòng hơn một năm.
Như vậy, trong khủng hoảng COVID-19, rõ ràng động thái nới lỏng định lượng đã cho thấy những tác dụng nhất định trong ngắn hạn: căng thẳng thanh khoản đồng Đôla Mỹ dịu xuống, các thị trường chứng khoán hồi phục và tâm lý thị trường được cải thiện với những cam kết mạnh mẽ của các NHTW.
4. Rủi ro và hạn chế của nới lỏng định lượng?
Không thể phủ nhận hiệu quả nhất định của các công cụ nới lỏng định lượng với bằng chứng về sự phục hồi nhanh chóng và kéo dài tương đối của các nền kinh tế lớn, điển hình là Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 hay khủng hoảng COVID-19. Tuy nhiên, tác động của công cụ nới lỏng định lượng còn nhiều tranh cãi và tiềm ẩn những hạn chết nhất định:
– Nguy cơ lạm phát: Trên lý thuyết, việc NHTW cung thêm tiền ra nền kinh tế sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, vốn trái ngược với các mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nền kinh tế của các NHTW. Dù mục tiêu ưu tiên trước mắt là đảm bảo thanh khoản và duy trì sự vận hành thông suốt của hệ thống tài chính nhưng nếu sự sử dụng quá mức các công cụ nới lỏng định lượng cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát trong trung và dài hạn.
– Hiệu quả không đồng đều: Mặc dù hầu hết các NHTW được tạo ra bởi chính phủ của đất nước họ và thực hiện một số vai trò giám sát theo quy định,NHTW không thể buộc các ngân hàng tăng cường cho vay hoặc buộc người dân phải đi vay và đầu tư. Nếu nguồn cung tiền tăng không chảy qua ngân hàng vào nền kinh tế, nới lỏng định lượng có thể không mạng lại hiệu quả ngoại trừ việc dẫn tới chi tiêu thâm hụt của chính phủ.
– Bong bóng tài chính: QE có thể tạo ra một môi trường tài chính dư thừa, khiến giá trị tài sản tăng cao và tạo ra bong bóng tài chính. Việc tăng cường tín dụng và giảm lãi suất có thể thúc đẩy các hoạt động đầu tư và giao dịch tài chính mạo hiểm. Đồng thời tạo ra áp lực tăng giá trị tài sản không đồng bộ với nền kinh tế thực. Khi bong bóng tài chính phát triển và sụp đổ, có thể xảy ra sự suy thoái kinh tế và gây ảnh hưởng tiêu cực rộng rãi.
– Tác động dài hạn: Các chương trình QE lớn có thể làm tăng mức nợ công và khiến chính phủ phụ thuộc vào các biện pháp kích thích tiền tệ thay vì giải quyết các vấn đề cơ cấu kinh tế.

Anh Đặng Đức Văn - Chuyên gia Quản trị rủi ro - MB Ageas Life
- Passed CFA 03 levels
- Gần 10 năm kinh nghiệm công tác ở các vị trí: Financial Analyst, Head of Financial Markets Division Assistant, Fixed income and Derivative dealer (VPBank), Head of Debt Instrument Trading and Sales Desk (VPBankS)