Công ty phục vụ mục đích đặc biệt trong tiếng Anh là Special Purpose Entity – SPE hay còn gọi là Special Purpose Vehicle – SPV, là một công ty con được công ty mẹ tạo ra với đầy đủ tư cách pháp nhân, có tài sản đặc thù, nhằm thực hiện một nhiệm vụ nào đó.
Tư cách pháp nhân riêng biệt giúp SPE tách biệt trách nhiệm với công ty mẹ và không ảnh hưởng gì nếu một trong 2 công ty phá sản. Vì vậy, một trong các lợi ích chính của SPE là giúp doanh nghiệp cách ly rủi ro từ các hoạt động đặc biệt hoặc không chắc chắn, từ đó bảo vệ tài sản và nguồn lực của công ty mẹ.
Tuy nhiên, việc sử dụng SPE cũng có thể tạo ra các vấn đề về tính minh bạch và quản lý rủi ro, đặc biệt khi không có sự tiết lộ đầy đủ về các mối quan hệ giữa SPE và công ty mẹ. Mục đích của SPE?
SPE có thể được công ty mẹ sử dụng cho việc:
➤ Huy động vốn;
➤ Chứng khoán hóa;
➤ Chuyển giao rủi ro, cô lập rủi ro thông qua việc mua – bán “tài sản/pháp nhân” giữa SPE và Công ty mẹ/ Công ty liên kết và/ hoặc chính SPE;
➤ Phục vụ cho các mục đích cụ thể khác, ví dụ như thâu tóm, M&A (kể cả trên sàn và ngoài sàn), theo đó đầu tư và sở hữu duy nhất chứng khoán của một target company nào đó, hoặc đôi khi SPE được sử dụng là “con tin” như một loại assets phục vụ cho việc cầm cố, thế chấp… để Nhà đầu tư huy động vốn…;
➤ Tái cấu trúc doanh nghiệp đối với Công ty mẹ/ Nhóm Công ty trong một tập đoàn;
➤ Và cuối cùng, theo mục đích tiêu cực, SPE là sản phẩm để doanh nghiệp trên sàn “cook” báo cáo và “vận dụng” pháp lý linh hoạt.
️ Cách SPE hoạt động trên BCTC
Thông tin tài chính của SPE có thể không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của công ty mẹ dưới dạng vốn chủ sở hữu hoặc nợ. Thay vào đó, tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu sẽ chỉ được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của chính nó.
Do đó, SPE có thể che giấu thông tin quan trọng đối với các nhà đầu tư, hoặc thực hiện các thủ thuật như tận dụng các khoản mục ngoài bảng cân đối cho mục đích báo cáo thuế và tài chính cho công ty mẹ. Vì vậy, nhà đầu tư cần phân tích bảng cân đối kế toán của công ty mẹ và SPE trước khi quyết định có nên đầu tư vào một doanh nghiệp hay không.

Anh Đặng Đức Văn - Chuyên gia Quản trị rủi ro - MB Ageas Life
- Passed CFA 03 levels
- Gần 10 năm kinh nghiệm công tác ở các vị trí: Financial Analyst, Head of Financial Markets Division Assistant, Fixed income and Derivative dealer (VPBank), Head of Debt Instrument Trading and Sales Desk (VPBankS)