Tictionary: Terminal Value – Giá trị cuối cùng

Terminal Value (Giá trị cuối cùng) là giá trị hiện tại của tất cả các dòng tiền trong tương lai với giả định tăng trưởng ổn định vĩnh viễn, thường được dùng trong mô hình định giá doanh nghiệp theo dòng tiền (Discounted Cash Flow – DCF).

Cụ thể hơn, chúng ta biết bản chất của phương pháp định giá DCF là giá trị của một tài sản sẽ bằng tổng tất cả các dòng tiền tự do trong tương lai (FCF) có nguồn gốc từ tài sản đó, được chiết khấu về thời điểm hiện tại với tỷ lệ chiết khấu đại diện cho chi phí vốn.

Vì không khả thi để dự báo FCF của một công ty vô thời hạn, nên analyst thường sẽ dự báo dòng tiền trong một khoảng thời gian cụ thể (tùy theo đánh giá của analyst về chu kỳ phát triển tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận để xác định thời điểm bão hòa). Nếu giai đoạn dự báo kéo dài thì tính chính xác của dự báo sẽ bị ảnh hưởng, mà doanh nghiệp thì vẫn còn tiếp tục hoạt động và tạo ra lợi nhuận – Terminal Value chính là cách để định lượng phần giá trị từ thời điểm kết thúc chu kỳ dự báo cho tới vĩnh viễn.

???? Có hai phương pháp thường được sử dụng để tính giá trị đầu cuối: Tăng trưởng vĩnh viễn (Mô hình tăng trưởng Gordon) và Bội số đầu ra (Exit multiple).

1️⃣ Mô hình tăng trưởng Gordon nói rằng một doanh nghiệp sẽ tiếp tục tạo ra dòng tiền với tốc độ ổn định mãi mãi, bắt đầu từ cuối giai đoạn dòng tiền dự báo cuối cùng trong mô hình DCF và chuyển sang vĩnh viễn.

Terminal Value ước tính giá trị của công ty sau giai đoạn dự báo, được tính với công thức sau: TV = (FCF * (1 + g)) / (d – g)

Trong đó:
➤ FCF = Dòng tiền tự do cho giai đoạn dự báo cuối cùng
➤ g = Tốc độ tăng trưởng dài hạn
➤ d = Tỷ lệ chiết khấu

Tốc độ tăng trưởng g ở giai đoạn bão hòa thường ở mức phù hợp với tỷ lệ lạm phát dài hạn cộng thêm một mức “premium” phản ánh kỹ năng quản lý của BOD, và đánh giá của analyst về tốc độ tăng trưởng bão hòa của doanh nghiệp. Nếu giả định g quá cao (VD: vượt mức tăng trưởng GDP) tức là công ty đang trên đà vượt qua tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chung – đây là một kịch bản không thực tế.

Ngoài ra dự báo tốc độ tăng trưởng dài hạn còn phải gắn chặt với nhu cầu tái đầu tư của công ty và đặc thù ngành nghề. Ví dụ đối với công ty như Hòa Phát (HPG), tốc độ tăng trưởng dài hạn sẽ không thể quá cao vì bị giới hạn bởi công suất thiết kế của các nhà máy. Khi các nhà máy thép của HPG đều full công suất thiết kế, tức là sản lượng đã đạt mức trần, trong khi giá bán theo thị trường thì tăng trưởng dài hạn sẽ chỉ ở mức 1 con số.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng, HPG phải nghĩ ra các câu chuyện tăng trưởng khác như mở rộng Capex bằng nhà máy Dung Quất 2 hoặc M&A mở rộng mảng kinh doanh khác như Nông nghiệp. Trong tương lai, khi các dự án này full công suất thì công ty lại bước vào giai đoạn bão hòa.

2️⃣ Phương pháp bội số đầu ra (Exit Multiple)

Phương pháp Exit Multiple sẽ được sử dụng dựa trên giả định rằng doanh nghiệp sẽ được bán hoặc chuyển nhượng vào cuối giai đoạn dự báo chi tiết với một mức bội số tài chính nhất định.

Công thức tính: TV = Exit Multiple x Projected Statistic (Lưu ý về việc quy đổi ra Firm Value hoặc Equity Value để phù hợp với phương pháp định giá).

Trong đó:
➤ Exit Multiple: thường được lấy từ các doanh nghiệp tương tự trong ngành, ở các quốc gia đã phát triển và rơi vào giai đoạn bão hòa (nếu có) (ví dụ: EV/EBITDA, EV/EBIT, P/E,…).
➤ Project Statistic: bao gồm các số liệu tại năm cuối chu kỳ dự báo (ví dụ: doanh thu, lợi nhuận, EBITDA,…).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *